Liên kết website
Thống kê truy cập
Hôm nay : 89
Tháng 04 : 138
Năm 2024 : 291
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bác Hồ với công tác giáo dục

Sinh thời Bác Hồ rất quan tâm đến công tác giáo dục đào tạo (GD-ĐT). Người dạy: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu, muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội trước hết cần có con người xã hội chủ nghĩa”.

Mô hình trường học nông trại của Trường PTDTBT Tiểu học Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải.

Con người mà Bác mong muốn đào tạo không chỉ có lòng yêu nước, tinh thần đấu tranh anh dũng, có lý tưởng cách mạng, phẩm chất, đạo đức mà còn phải có tri thức khoa học, kỹ năng lao động sản xuất… Những lời dạy của Bác đối với những người làm trong ngành giáo dục và sự tin tưởng, kỳ vọng của Người vào thế hệ học sinh, tương lai của đất nước đến nay vẫn còn nguyên giá trị. 

Trong suốt quá trình xây dựng và phát triển của ngành GD-ĐT Yên Bái, những tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác giáo dục luôn là kim chỉ nam cho các thầy giáo, cô giáo. Tuy đời sống kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn nhưng sự nghiệp giáo dục vẫn luôn được quan tâm hàng đầu, các thầy cô tận tâm với công cuộc "trồng người”, quyết tâm theo đuổi mục tiêu cao cả của giáo dục mà Bác đã đề ra. 

Đó là bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau, bồi dưỡng những chủ nhân tương lai của đất nước. Giáo dục phải thực hiện hoạt động dạy và học theo mục tiêu: học để làm việc, làm người, làm cán bộ; học để phụng sự đoàn thể, giai cấp và nhân dân, Tổ quốc và nhân loại; học để sửa chữa tư tưởng; học để tu dưỡng đạo đức cách mạng; học để tin tưởng và học để hành. 

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đánh giá cao vai trò của các thầy giáo, cô giáo đối với sự nghiệp giáo dục thế hệ trẻ. Bác chỉ rõ: "Giáo viên phải chú ý cả tài, cả đức, tài là văn hóa, chuyên môn, đức là chính trị. Muốn cho học sinh có đức thì giáo viên phải có đức... 

Cho nên thầy giáo, cô giáo phải gương mẫu, nhất là đối với trẻ con”. Bởi vậy mà trong suốt những năm qua, công tác xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trường học luôn được quan tâm, chú trọng. Bản thân mỗi thầy cô giáo ở Yên Bái đã khắc phục mọi điều kiện khó khăn, hạn chế phấn đấu vươn lên, tự trau dồi, tìm tòi học hỏi, nâng cao chất lượng giáo dục. Hiện, 100% giáo viên của tỉnh có trình độ đạt chuẩn trở lên, trong đó 72,1% đạt trên chuẩn. 

Hàng năm có trên 96% cán bộ quản lý, giáo viên tham gia bồi dưỡng. Bên cạnh đó, các thầy cô đều nêu cao tinh thần tự học, tự nghiên cứu và sáng tạo. Hàng năm có hàng nghìn các sáng kiến của các thầy cô trong toàn tỉnh phục vụ công tác giảng dạy, góp phần vào đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục. 

Trong những năm gần đây, Yên Bái là một trong những tỉnh miền núi phía Bắc tiên phong trong xây dựng trường học gắn với cuộc sống. Đó là những mô hình hay với nhiều sáng tạo, tâm huyết của thầy cô, đặc biệt với những trường học ở vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. 

Mô hình đã tạo ra môi trường học tập thân thiện, giúp học sinh hiểu giá trị của lao động, gắn kiến thức lý thuyết đã học với thực tiễn lao động sản xuất. Các mô hình cũng hướng đến phát triển kỹ năng sống, giá trị sống, khả năng sáng tạo, hợp tác làm việc với cộng đồng, giữ gìn và phát huy giá trị của nghề truyền thống, phát triển nghề của địa phương... 

Nổi bật như Trường PTDTBT Tiểu học Nậm Khắt với Mô hình "Trường học nông trại”; Trường Tiểu học Chế Cu Nha với Mô hình "Trường học du lịch”... Đó chỉ là một trong số rất nhiều những thay đổi về phương pháp dạy học mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ dạy: học phải đi đôi với hành, lí luận phải gắn liền với thực tế; dạy học phải chú ý đặc điểm đối tượng, phải biết dạy cho ai, phải đi sâu, đi sát để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của học sinh, từ đó, tìm ra con đường giải quyết hợp lý việc dạy học, tuyên truyền. 

Cùng với đó, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học tại các trường trên địa bàn tỉnh được tăng cường đầu tư theo hướng hiện đại và công bằng trong giáo dục. Nhiều Đề án đã mang lại hiệu quả rõ rệt như: Đề án sắp xếp quy mô mạng lưới trường lớp đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông; Đề án xây dựng trường bán trú; Đề án nâng cao chất lượng các trường mầm non vùng đặc biệt khó khăn theo Nghị quyết 23/2015/NQ-HĐND của HĐND tỉnh; Đề án "Tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2020, định hướng đến 2025” trên địa bàn tỉnh; Đề án xây dựng trường chuẩn quốc gia... cùng rất nhiều những chính sách hỗ trợ giáo dục đã tạo được bước đột phá cho giáo dục. Chất lượng giáo dục toàn diện được nâng lên; tỷ lệ học sinh mầm non, phổ thông ra lớp đảm bảo chuyên cần. Giữ vững và tăng dần các chỉ số về huy động trẻ mầm non, tiểu học, đảm bảo đúng độ tuổi làm nền tảng giữ vững và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục. Đến nay, trên 50% trường học trên địa bàn tỉnh đạt chuẩn. 

Có thể thấy, tư tưởng giáo dục của Chủ tịch Hồ Chí Minh và những hoạt động giáo dục của Người đã góp phần vạch ra phương hướng cơ bản cho chiến lược con người nói chung và chiến lược phát triển giáo dục nói riêng trong suốt mấy chục năm qua và trong những giai đoạn tiếp theo. Để hôm nay, những người làm công tác giáo dục ở Yên Bái tiếp tục nhiệm vụ cao cả trên chính nền tảng tư tưởng của Người.

Thanh Ba

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan
Video Clip
Văn bản mới